Tại Sao Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Thất Bại?
January 13, 2025
Xét về câu chuyện quốc gia, Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn ở châu Á. Tuy nhiên rất ít nhà đầu tư gián tiếp gặt hái được lợi nhuận và sau đó hiện thực hóa. Đa số thất bại. Tại sao?
Trong 20 năm qua, có vô số thương vụ đầu tư thất bại của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, các thương vụ thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ban đầu, câu chuyện rất hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng của cả doanh nghiệp và sự đóng góp của cổ đông chiến lược nước ngoài trong dài hạn. Nhưng tuần trăng mật chấm dứt, thực tế rẽ theo một lối khác hẳn hình dung buổi đầu của cả hai. Thay vì đi trên con đường bằng phẳng để tới đích trải hoa hồng, các nhà đầu tư chiến lược sa lầy trong bãi thụt khổng lồ, loay hoay tìm lối thoát khỏi doanh nghiệp. Và sau 5-7 năm, họ phải bán cắt lỗ nếu muốn thoái được vốn. Câu chuyện không phải gồm vài trường hợp đơn lẻ mà là một thực tế đầy cay đắng diễn ra trên diện rộng. Với kinh nghiệm tư vấn, OmegaAdvisors đưa ra một vài quan sát riêng?
Những thương vụ thất bại
Năm 2017, HSBC thoái vốn khỏi Techcombank, chấm dứt quan hệ hợp tác chiến lược kéo dài 10 năm. Trước đó, từ cuối năm 2005, định chế tài chính này đã mua 10% cổ phần của ngân hàng Việt Nam sau đó sau với nhiều đợt mua vào nâng tỉ lệ lần lượt lên 15%, 20%. Điều đáng nói, khi HSBC thoái vốn, số tiền thu về của họ chỉ tương đương số vốn đầu tư ban đầu. Techcombank mua lại số cổ phiếu đó và dùng làm cổ phiếu quỹ. Nếu tính về chi phí cơ hội, thực chất HSBC đã lỗ nặng. Cay đắng hơn, 12 tháng sau đó, Techcombank tiến hành IPO. Lô cổ phiếu cũ của HSBC được bán với giá cao gấp ba lần, mang về nguồn thặng dư khổng lồ.
Ở giai đoạn hoàng kim của TTCK Việt Nam, năm 2008, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) đã trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank, một trong các ngân hàng tư nhân tốt nhất thời điểm đó. Sự hân hoan cả hai phía thời điểm đó kéo dài thêm vài năm và chấm dứt khi ngân hàng này sa sút và rơi vào sự đấu đá quyền lực giữa các cổ đông lớn. ĐHCĐ liên tục bất thành khi nhóm cổ đông bất đồng gay gắt, tranh cãi. Sự tranh dành quyền lực kiểm soát của các nhóm cổ đông đã đẩy ngân hàng này trượt dốc và một thời gia dài SMBC mắc kẹt giữa cuộc chiến phe phái. Năm 2023, SMBC thoái vốn khỏi Eximbank, tuy nhiên số tiền thu về nhỏ hơn nhiều so với số vốn bỏ ra ban đầu.
Năm 2007, Deutsche Bank AG (Đức) đã hoàn thành việc mua 10% cổ phần của ngân hàng Habubank (HBB) và chính thức trở thành đối tác chiến lược của nhà băng này. Tuy nhiên chỉ ba năm sau đó, ác mộng đã xảy ra: ngân hàng này xóa sổ, giá cổ phiếu rơi tự do, Habubank sáp nhập vào SHB, khoản đầu tư của Deutsche Bank AG gần như mất trắng.
Temasek là quỹ đầu tư tên tuổi trong khu vực với khẩu vị đầu tư sắc bén. Tuy nhiên họ mắc kẹt tại HAGL, doanh nghiệp mở rộng điên cuồng trong giai đoạn 2012-2018. Temasek vẫn gắn bó với HAGL ngay cả khi HAGL phát triển với chiến lược kinh doanh hình quả mít (tức là mỗi năm phát triển một ngành nghề mới) kèm một gánh nặng nợ nần tình hình tài chính căng như dây đàn. Kết quả, Temasek vỡ mộng, thoái vốn làm nhiều đợt, mất nhiều chi phí cơ hội và rất may mắn thu hồi được vốn.
Tập đoàn SK Group rót hàng tỉ USD vào Masan Group giai đoạn 2018-2019. Tuy nhiên, giá trị khoản đầu tư chưa bao giờ tạo ra giá trị tương ứng với kỳ vọng về sự phát triển của hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam. Kết quả, sau 5 năm nắm giữ, SK Group chấp nhận bán lỗ khoản đầu tư của mình tại Masan trong năm 2024.
Standard Chartered mua cổ phần từ Lộc Trời Group khi nhóm quỹ đầu tư VinaCapital, Red River... thoái vốn. Nhưng ván cược vào ngành nông nghiệp Việt Nam của Standard Chartered thất bại thảm hại. Năm 2019 Standard Chartered vỗi vã thoải vốn ghi nhận khoản lỗ 35%. Tuy nhiên, Standard Chartered đã quyết đoán kịp thời, nếu nắm giữ đến bây giờ, họ có nguy cơ trắng tay khi hoạt động kinh doanh của Lộc Trời đã bộc lộ nhiều vấn đề trong 10 năm qua.
Cổ đông chiến lược nước ngoài tháo chạy ra khỏi các ngân hàng tư nhân do hiệu quả đầu tư và hoạt động không đáp ứng được kỳ vọng. Tiêu biểu VPBank và Overseas Chinese Banking Corporation Limited; BNP Paribas thoái toàn bộ gần 19% tại OCB; Société Générale thoái vốn tại SeABank; ngân hàng ANZ thoái vốn tại Sacombank dẫn đến hệ lụy ngân hàng này bị thâu tóm…
Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài mất trắng tại Huy Việt Nam, một doanh nghiệp F&B phát triển bùng nổ giai đoạn 2015-2017 với thương hiệu Phở Ông Hùng. Mô hình build to sell rất hấp dẫn nếu nhìn từ sự hào nhoáng bên ngoài và file powerpoint vẽ biểu đồ tăng trưởng, số của hàng và doanh thu tăng dựng đứng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài yêu thích câu chuyện tăng trưởng thần tốc được nếm liều độc dược pha với mật ong
SK Group (lại vẫn là SK) rót 90 triệu đô la Mỹ vào Pharmacity- chuỗi dược phẩm lớn nhất năm 2022. Hiện tại, SK vẫn đang mắc kẹt và chưa có lối thoát cho khoản đầu tư này. Tại thời điểm họ đầu tư, chuỗi bán lẻ dược phẩm đã bộc lộ nhiều vấn đề không thể giải quyết về hiệu quả mô hình hoạt động và rủi ro về người lãnh đạo. Tuy nhiên SK đã không nhận ra!
Thất bại là câu chuyện bình thường ở vùng đất mang tên khởi nghiệp. Tuy nhiên các startup về thương mại điện tử tại Việt Nam tiêu biểu như Tiki hạ gục một danh sách dài các nhà đầu tư quốc tế tên tuổi: JD.com, Sumimoto Corporation, Mizuho Asia Partner, SBI Group... Họ đánh mất cả tiền và danh tiếng tại Việt Nam
Nhóm các nhà đầu tư tham gia IPO YEAH1 thiệt hại nặng nề khi mô hình kinh doanh của công ty sụp đổ khi YouTube thay đổi chính sách khiến cổ phiếu này bốc hơi 95% giá trị.
Cách đây 15 năm, Kusto Group đầu tư vào Conteccons và sự khởi đầu hết sức hứa hẹn. Mối quan hệ của Kusto với ban lãnh đạo công ty xấu đi sau vài năm. Kết quả, liên minh các nhà đầu tư nước ngoài dùng quyền phủ quyết gạt bỏ được ông Nguyễn Bá Dương, linh hồn công ty. Nhưng Kusto mắc kẹt với khoản đầu tư mà họ bất đắc dĩ phải đứng ra điều hành. Họ có thể không bao giờ thu hồi được vốn.
ThaiBev trả mức giá "điên rồ" để kiểm soát Sabeco. Thương vụ không hề tệ ngoài chuyện mức giá cao ngất trời và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời sau đó hạn chế rượu bia khi lái xe.
.........
Trả lời cho câu hỏi tại sao?
Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có sự hấp dẫn của miền Tây nước Mỹ trong giai đoạn Gold Rush.
Đúng, điều này không sai.
Nhìn nhận tích cực, nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặt hái thành công trong một số trường hợp như Mekong Capital thoái vốn tại Golden Gate và Mobile World- gặt hái lợi nhuận kếch xù cho dù không hưởng trọn miếng bánh; Dragon Capital với doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn đầu; VinaCapital với Hoàn Mỹ, Primer Group; F&N với Vinamilk; Victoria Platinum với REE Corp; Central Group với Big C; tập đoàn SCG M&A nhóm doanh nghiệp ngành nhựa; nhóm cổ đông ngoại sở hữu FPT...
Tuy nhiên, các thương vụ thất bại chiếm nổi bật. Lý do chính theo quan điểm của OmegaAdivisors:
+ Rủi ro về lãnh đạo. Không nhận thức đầy đủ về phong cách kinh doanh, sự liêm chính, đạo đức kinh doanh, phong cách quản trị, sự linh hoạt trong kinh doanh, kết nối chính trị, đội ngũ điều hành... Đây là rủi ro lớn nhất (OmegaAdvisor xuất hiện để giải quyết vấn đề này)
+ Nhầm lẫn giữ hai câu chuyện doanh nghiệp và quốc gia: Câu chuyện trăng trưởng về Việt Nam còn nguyên giá trị. Nhưng câu chuyện tăng trưởng doanh nghiệp không phải lúc nào cũng đi song hành với câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam.
+ Bị định giá quá cao
+ Hành lang pháp lý và chính sách thay đổi
+ Các đổi thủ và mô hình kinh doanh cạnh tranh mới xuất hiện phá vỡ thế độc tôn
+ Hạn chế năng lực của quỹ
+ Xem nhẹ yếu tố kinh doanh địa phương tại thị trường Việt Nam: Chẳng hạn, thương mại điện tử có thể thành công tại Trung Quốc nhưng chưa chắc đã thành công tại Việt Nam.
+ Gặp bên môi giới thiếu đạo đức. Một nhà đầu tư mắc kẹt với một khoản đầu tư có thể chuyển cục than hồng đó cho một nhà đầu tư khác để tháo chạy. Cách dễ nhất: Dựng nên một câu chuyện toàn màu hồng!
+ Làm Due Deligence không kỹ, không tin vào tư vấn.
Cụ thể các đánh giá chi tiết có tại OmegaAdvisors!
OmegaAdvisor Team